Phong trào luyện tập Pháp Luân Công ở Việt Nam xuất hiện khoảng 7 hay 8 năm sau khi phong trào này xuất hiện lần đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 1992. Đến năm 2011, số lượng người tham gia tập luyện đã tăng hơn 1500 người[1] và tính đến năm 2016 có rất nhiều người tu luyện, rất nhiều điểm tập luyện Pháp Luân Công xuất hiện ở các công viên ở Việt Nam[2][3].

Phản ứng của Pháp Luân Công đối với cuộc trấn áp

Phản ứng của Pháp Luân Công đối với cuộc bức hại ở Trung Quốc bắt đầu vào tháng 7 năm 1999 với việc kháng cáo đến các văn phòng kiến nghị cấp địa phương, cấp tỉnh, và cấp trung ương ở Bắc Kinh[264]. Việc kháng cáo này nhanh chóng biến thành các cuộc biểu tình lớn hơn, với hàng trăm học viên Pháp Luân Công hàng ngày tới Quảng trường Thiên An Môn để thực hiện các bài tập Pháp Luân Công hoặc đưa ra các biểu ngữ để bảo vệ giáo phái. Những cuộc biểu tình này thường bị các lực lượng an ninh giải tán, và các học viên tham gia đã bị bắt - đôi khi bị đánh - và giam giữ. Đến ngày 25 tháng 4 năm 2000, tổng cộng hơn 30.000 học viên đã bị bắt tại quảng trường trên;[265] 700 đệ tử Pháp Luân Công đã bị bắt trong một cuộc biểu tình tại quảng trường vào ngày 1 tháng 1 năm 2001.[266] Các cuộc biểu tình công khai tiếp tục diễn ra cho đến năm 2001. Trên Wall Street Journal, Ian Johnson đã viết rằng "các học viên Pháp Luân Công đã tạo ra được một phong trào đối kháng kiên trì nhất trong 50 năm cầm quyền của Đảng Cộng sản."[267]

Đến cuối năm 2001, các cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn đã trở nên ít thường xuyên hơn, và việc thực hành Pháp Luân Công đã đi vào bí mật. Khi các cuộc biểu tình công khai không còn được ưa chuộng, các học viên đã thiết lập các "kho tài liệu" âm thầm, với mục đích phát hành sách và DVD để chống lại cuộc tấn công Pháp Luân Công trên các phương tiện truyền thông chính thức. Sau đó, các học viên phân phát những tài liệu này, thường là từ nhà này qua nhà khác.[268] Các nguồn tin Pháp Luân Công ước tính năm 2009 có hơn 200.000 địa điểm như vậy tồn tại trên khắp Trung Quốc ngày nay.[269] Việc sản xuất, sở hữu hoặc phân phối các tài liệu này thường là cơ sở để các nhân viên an ninh giam giữ hoặc kết án các học viên Pháp Luân Công.[270]

Vào năm 2002, các nhà hoạt động Pháp Luân Công tại Trung Quốc đã khai thác các chương trình truyền hình, thay thế chương trình thường xuyên của nhà nước bằng nội dung của riêng họ. Một trong những trường hợp đáng chú ý hơn xảy ra vào tháng 3 năm 2002, khi các học viên Pháp Luân Công ở Trường Xuân chặn 8 mạng truyền hình cáp ở tỉnh Cát Lâm, và gần một giờ, truyền hình phát một chương trình có tựa đề "Tự thiêu hoặc một hành động dàn dựng?". Tất cả sáu học viên Pháp Luân Công liên quan đã bị bắt trong vài tháng sau đó. Hai người đã bị giết ngay lập tức, trong khi bốn người kia đã chết vào năm 2010 vì thương tích trong khi bị cầm tù.[271][272]

Bên ngoài Trung Quốc, Pháp Luân Công đã thành lập các tổ chức truyền thông quốc tế để tuyên truyền rộng rãi hơn cho phong trào của họ và thách thức phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc. Chúng bao gồm báo Đại Kỷ Nguyên, Đài truyền hình Tân Đường Nhân, và đài phát thanh "Tiếng nói hy vọng".[26] Theo Zhao, thông qua Thời báo Đại Kỷ Nguyên, có thể thấy rõ Pháp Luân Công đang xây dựng một "liên minh truyền thông trên thực tế" với phong trào dân chủ của Trung Quốc lưu vong.[87] Vào năm 2004, Thời báo Đại Kỷ Nguyên đã xuất bản một bộ sưu tập gồm chín bài xã luận (Cửu Bình) nhằm trình bày lịch sử của Đảng Cộng sản theo quan điểm của họ[73][273] Điều này xúc tác cho phong trào "Thoái đảng", khuyến khích công dân Trung Quốc từ bỏ Đảng Cộng sản Trung Quốc, bao gồm cả việc từ bỏ Đoàn Thanh niên Cộng sản và Đội Thiếu niên. Thời báo Đại Kỷ Nguyên tuyên bố rằng hàng chục triệu người đã từ bỏ Đảng Cộng sản như một phần của phong trào, mặc dù những con số này chưa hề được xác minh độc lập.[274]

Năm 2006, các học viên Pháp Luân Công tại Hoa Kỳ đã thành lập Đoàn nghệ thuật Thần Vận, một công ty âm nhạc và khiêu vũ thực hiện các buổi trình diễn quốc tế.[275]

Các nhà phát triển phần mềm Pháp Luân Công tại Hoa Kỳ cũng đã tạo ra một số công cụ vượt thoát kiểm duyệt phổ biến được sử dụng bởi người dùng internet ở Trung Quốc.[276]

Các học viên Pháp Luân Công bên ngoài Trung Quốc đã đệ đơn hàng chục vụ kiện chống lại Giang Trạch Dân, La Cán, Bạc Hy Lai, và các quan chức Trung Quốc khác về "tội diệt chủng" và "tội ác chống nhân loại".[277] Tât cả những đơn kiện này đều bị tòa án nước sở tại từ chối.

Lý Hồng Chí bắt đầu dạy Pháp Luân Công ra quốc tế từ tháng 3 năm 1995. Điểm dừng chân đầu tiên của ông là ở Paris, nơi ông nhận lời mời của đại sứ Trung Quốc và đã tổ chức một cuộc hội thảo giảng bài tại Đại sứ quán Trung Quốc. Tiếp theo đó là các bài giảng ở Thụy Điển tháng năm 1995. Từ năm 1995 đến năm 1999, Lý đã đi giảng bài tại Hoa Kỳ, Canada, Úc, New Zealand, Đức, Thụy Sĩ, và Singapore.[26]

Sự tăng trưởng của Pháp Luân Công bên ngoài Trung Quốc phần lớn tương ứng với sự di chuyển của sinh viên Trung Quốc đại lục đến phương Tây trong giai đoạn đầu và giữa những năm 1990. Các hiệp hội và câu lạc bộ Pháp Luân Công bắt đầu xuất hiện ở châu Âu, Bắc Mỹ và Úc, với các hoạt động tập trung chủ yếu ở các trường đại học.[278] Các hướng dẫn viên tình nguyện Pháp Luân Công và các Hội Pháp Luân Công hiện nay đã có mặt tại 80 quốc gia bên ngoài Trung Quốc.[15]

Việc biên dịch các bài giảng của Pháp Luân Công bắt đầu được thực hiện vào cuối năm 1990. Khi Pháp Luân Công bắt đầu phát triển mạnh bên ngoài Trung Quốc, Lý Hồng Chí nhận được sự công nhận tại Hoa Kỳ và các nước khác trong thế giới phương Tây. Trong tháng 5 năm 1999, Lý đã được chào đón tại Toronto với chúc mừng của thị trưởng thành phố và Phó Thống đốc tỉnh. Hai tháng sau đó, ông cũng nhận được sự công nhận từ các thành phố Chicago và San Jose.[279]

Mặc dù Pháp Luân Công đã bắt đầu thu hút một số học viên ở nước ngoài trong những năm 1990, nó vẫn còn tương đối chưa được biết đến bên ngoài Trung Quốc cho đến mùa xuân năm 1999, khi căng thẳng giữa Pháp Luân Công và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trở thành một chủ đề của giới truyền thông quốc tế. Với sự quan tâm tăng lên, Pháp Luân Công đã được lượng học viên lớn hơn ở các nước ngoài Trung Quốc. Sau khi chiến dịch trấn áp của Đảng Cộng sản đối với Pháp Luân Công diễn ra, tổ chức Pháp Luân Công ở nước ngoài đã trở nên quan trọng đến sức đề kháng của Pháp Luân Công ở Trung Quốc và sự tồn tại tiếp tục của môn phái này.[26] Các học viên Pháp Luân Công ở nước ngoài đã đáp lại các cuộc trấn áp ở Trung Quốc bằng các cuộc biểu tình và diễu hành thường xuyên, đưa tin thông qua các phương tiện truyền thông, tạo ấn tượng với các công ty biểu diễn nghệ thuật, và viết phần mềm tránh kiểm duyệt Internet với mục đích chủ yếu để tiếp cận dân chúng trong Trung Quốc đại lục.[276]

Các công trình nghiên cứu của giới học thuật về Pháp Luân Công đã được xuất bản kể từ khi nó được bắt đầu. Hầu hết các nghiên cứu này là của các nhà khoa học xã hội nhằm điều tra các điều kiện xã hội đã dẫn đến việc tạo ra Pháp Luân Công.[280]

Theo BBC, tại Việt Nam, Pháp Luân Công chưa được hoạt động hợp pháp và nhiều buổi tụ tập của các học viên Pháp Luân Công tại đây những năm qua đều bị giải tán.[281]

Tính đến tháng 12 năm 2015, không có bất kỳ một văn bản chính thức hay luật định, hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương công khai nào nói về chủ trương đường lối của nhà nước Việt Nam đối với vấn đề Pháp Luân Công.[282]

Trong một bài báo trên tạp chí Khoa học & Đời sống viết rằng Pháp Luân công "có khả năng đả thông các nguồn năng lượng bên trong cơ thể, hấp thu năng lượng vũ trụ để điều chỉnh, lưu thông khí huyết, giúp cơ thể khỏe mạnh."[283]

Ngày 11 tháng 10 năm 2011, hai học viên Pháp Luân Công Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành đã bị tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án ba và hai năm tù giam vì đã phát chương trình ‘Tiếng nói Hy vọng’ sang lãnh thổ Trung Quốc bằng làn sóng phát thanh ngắn hồi tháng 4 năm 2009.[284][285]

Ngày 3 tháng 2 năm 2014, bốn người Nguyễn Doãn Kiên, Vũ Hồng Tố, Nguyễn Văn Kiểm và Trinh Kim Khánh, đã có kế hoạch mang theo búa ra lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với ý định đập phá. Trước đó, ngày 4 tháng 1 năm 2014, nhóm này cũng đã dùng dây cáp nhằm kéo đổ tượng Lenin ở vườn hoa trên đường Điện Biên Phủ (Hà Nội) nhưng không thành. Kế hoạch kéo đổ tượng Lenin và đập phá lăng Hồ Chủ tịch đều được nhóm này công bố công khai trên mạng xã hội trước khi tiến hành. Ngày 27 tháng 3 năm 2014, bốn người này đã bị tòa kết án 4-6 năm tù vì tội gây rối trật tự công cộng và phá hoại công trình Nhà nước[281]. Theo BBC, cả bốn người bị kết án tự nhận theo Pháp Luân Công. Nhưng theo báo Đại Kỷ Nguyên (thuộc sở hữu của Pháp Luân Công) thì bốn người này không phải học viên Pháp Luân Công.[286]

Từ năm 2014 đến 2016, Công an các tỉnh Vĩnh Phúc[287], Gia Lai[288], Ninh Thuận[289], Kon Tum[290] đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố phối hợp cùng các đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ và ngăn chặn việc phát tài liệu Pháp Luân Công.

Vào tháng 10 năm 2019, trang web kiểm tra thực tế Snopes đã báo cáo rằng Đại Kỷ Nguyên (trang web của Pháp luân công) đã sử dụng một loạt các tài khoản giả mạo để điều hành các trang và nhóm Facebook có tên là The BL (Vẻ đẹp của cuộc sống) chuyên chia sẻ quan điểm ủng hộ Trump và các thuyết âm mưu như QAnon. BL đã chi ít nhất 510.698 đô la cho quảng cáo trên Facebook. Hàng trăm quảng cáo đã bị xóa do vi phạm các quy tắc quảng cáo của Facebook. BL được đăng ký tại Middletown, New York, tới một địa chỉ cũng được đăng ký với Mạng phát thanh Âm thanh Hy vọng của Pháp Luân Công, nhưng Snopes nhận thấy "toàn bộ các trang này thực sự là ngôn ngữ tiếng Anh ấn bản của trang Đại Kỷ Nguyên tiếng Việt Nam."[55][291] Snopes phát hiện ra rằng The BL sử dụng hơn 300 tài khoản Facebook giả mạo có địa chỉ tại Việt Nam và một số quốc gia khác, sử dụng tên, ảnh cá nhân và ảnh người nổi tiếng trong hồ sơ của họ để mô phỏng người Mỹ, để quản lý hơn 150 nhóm Facebook ủng hộ Trump khuếch đại nội dung của nó.[55][292] BL tập trung vào chính trị Mỹ nhưng một phần hoặc chủ yếu được quản lý bởi các tài khoản từ Việt Nam. Facebook cho biết Tập đoàn truyền thông Đại Kỷ Nguyên đã chi 9,5 triệu đô la cho quảng cáo truyền bá nội dung thông qua các trang tin và nhóm, hiện đang bị cấm hoạt động trên Facebook. Đại Kỷ Nguyên và BL phủ nhận có liên quan đến nhau, nhưng Facebook cho hay: Mặc dù những người đứng sau mạng lưới này đã dùng các tài khoản giả mạo nhằm cố gắng che giấu danh tính và sự phối hợp của họ, điều tra của Facebook đã kết nối hoạt động này với Tập đoàn truyền thông Đại Kỷ Nguyên, một tổ chức truyền thông chuyên ủng hộ Pháp luân công tại Hoa Kỳ, và tập đoàn này đã thuê các cá nhân ở Việt Nam làm việc thay mặt họ.[293]

Năm 2005, 3 người (Paitoon Suriyawongpaisan, Panida Wayumhasuwan và Chatchalai Sutthakanat) nộp đơn xin đăng ký "Hiệp hội Pháp Luân Công ở Thái Lan" nhưng đã bị Bộ Nội vụ Thái Lan từ chối. Ba người này đã đưa vụ việc lên Tòa án Hành chính Trung ương và tiến hành một cuộc chiến pháp lý kéo dài 10 năm.[294]

Vào ngày 2 tháng 2 năm 2006, Tòa án Hành chính Trung ương ra phán quyết ủng hộ quyết định của Bộ Nội vụ. Ba người sau đó đã kháng cáo lên Tòa án Hành chính Tối cao.[295]

Ngày 4 tháng 8 năm 2015, Tòa án Tối cao Thái Lan đã đảo ngược phán quyết từ chối cho Pháp Luân Công đăng ký của Tòa án Hành chính cấp thấp hơn và Bộ Nội vụ. Tòa án cho hay mối quan ngại về việc đăng ký Hiệp hội có thể ảnh hưởng lên mối quan hệ Thái Lan - Trung Quốc là quá sớm; Pháp Luân Công được coi là hợp pháp và được tự do tập luyện ở Thái Lan[296][297]

Từ năm 1999, nhiều chính phủ phương Tây và các tổ chức nhân quyền đã lên tiếng lên án việc trấn áp Pháp Luân Công của chính phủ Trung Quốc[298]. Từ năm 1999, các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ đã tuyên bố công khai và đưa ra một số nghị quyết ủng hộ Pháp Luân Công[299]. Trong năm 2010, Nghị quyết của Hạ viện Mỹ 605 kêu gọi "chấm dứt ngay chiến dịch bức hại, đe doạ, giam cầm và tra tấn các học viên Pháp Luân Công", lên án các nỗ lực của chính quyền Trung Quốc để phân phát "tuyên truyền giả" về môn phái này trên toàn thế giới, và bày tỏ sự thông cảm đối với việc bức hại các học viên Pháp Luân Công và gia đình họ[300][301].

Từ năm 1999 đến năm 2001, các báo cáo của phương tiện truyền thông phương Tây về Pháp Luân Công - và đặc biệt là sự ngược đãi các học viên - là khá thường xuyên, nhưng thông tin không thống nhất[244]. Tuy nhiên, đến nửa cuối năm 2001, khối lượng các báo cáo truyền thông đã giảm mạnh, và vào năm 2002, các báo lớn như New York Times và Washington Post gần như đã ngừng viết bài về Pháp Luân Công bên trong Trung Quốc[244]. Trong một nghiên cứu các cuộc thảo luận về Pháp Luân Công, nhà nghiên cứu Leeshai Lemish đã phát hiện ra rằng các tổ chức thông tấn phương Tây cũng trở nên ít cân bằng hơn và nhiều lúc trình bày một cách không phê phán các quan điểm của Đảng Cộng sản chứ không phải là của Pháp Luân Công hay các nhóm nhân quyền[244]. Adam Frank viết rằng trong việc báo cáo về Pháp Luân Công, truyền thống phương Tây coi Trung Quốc là "kỳ lạ" chiếm ưu thế, và mặc dù các con số và sự kiện nói chung là chính xác trong các báo cáo của phương tiện truyền thông phương Tây, "việc đàn áp hàng triệu học viên Trung Quốc liên quan đến Pháp Luân Công đã trở nên hoàn toàn bình thường".[302] David Ownby lưu ý rằng bên cạnh các chiến thuật này, nhãn" tôn giáo" mà chính quyền Trung Quốc áp dụng cho Pháp Luân Công không bao giờ hoàn toàn biến mất trong tâm trí của một số người phương Tây, và sự kỳ thị vẫn giữ vai trò chính trong nhận thức thận trọng của công chúng phương Tây về Pháp Luân Công[303].

Để chống lại sự ủng hộ của Pháp Luân Công ở phương Tây, chính phủ Trung Quốc mở rộng các nỗ lực chống lại giáo phái này trên toàn thế giới. Điều này bao gồm các chuyến thăm của các nhà ngoại giao đến các tòa báo để "tuyên dương cái tốt của người Trung Quốc và những cái xấu của Pháp Luân Công",[304] đánh đồng việc ủng hộ Pháp Luân Công với "mối đe doạ thương mại" và gửi thư cho các chính trị gia địa phương yêu cầu họ rút lại sự ủng hộ Pháp Luân Công[304]. Theo Perry Link, áp lực đối với các thể chế phương Tây cũng có những hình thức tinh tế hơn, bao gồm tự kiểm duyệt học thuật, theo đó việc nghiên cứu về Pháp Luân Công có thể dẫn đến việc cấm thị thực cho công việc nghiên cứu thực địa ở Trung Quốc; hoặc loại trừ và phân biệt đối xử từ các nhóm doanh nghiệp và cộng đồng có liên hệ với Trung Quốc hoặc thân Đảng Cộng sản[304][305].

Mặc dù việc trấn áp Pháp Luân Công bị kết án đáng kể ở bên ngoài Trung Quốc, nhưng một số nhà quan sát nhận ra rằng Pháp Luân Công đã không thu hút được sự thông cảm và duy trì sự chú ý như đối với các nhóm bất đồng chính kiến khác của Trung Quốc.[306] Katrina Lantos Swett, phó chủ tịch Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, lưu ý rằng phần lớn người Mỹ đều biết về sự đàn áp đối với "Phật giáo Tây Tạng và các nhóm người Kitô hữu chưa đăng ký hoặc các nhà ủng hộ dân chủ và tự do ngôn luận như Lưu Hiểu Ba và Ngải Vị Vị", nhưng họ "biết rất ít về cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với Pháp Luân Công".[307]

Ethan Gutmann, một nhà báo báo cáo về Trung Quốc kể từ đầu những năm 1990, đã cố gắng giải thích sự thiếu đồng cảm của công chúng với Pháp Luân Công như là một phần bắt nguồn từ những thiếu sót của Pháp Luân Công trong quan hệ công chúng. Không giống như các nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc hay người Tây Tạng, vốn được phương Tây thông cảm, "Pháp Luân Công đã đồng hành theo một nhịp điệu đặc thù Trung Quốc", Gutmann viết. Hơn nữa, những nỗ lực truyền bá thông điệp của các học viên Pháp Luân Công đã sao chép hình thức tuyên truyền của chính Đảng Cộng sản Trung Quốc, bao gồm xu hướng phóng đại, tưởng tượng ra "những hình thức tra tấn theo kiểu Cách mạng Văn hoá", hay "hô khẩu hiệu thay vì trình bày sự việc". Điều này đã xảy ra song hành với sự nghi ngờ nói chung của phương Tây về những người tị nạn bị đàn áp[308]. Gutmann cũng nhận ra rằng các tổ chức truyền thông và các nhóm nhân quyền cũng tự kiểm duyệt chủ đề này, vì thái độ gay gắt của chính phủ Trung Quốc đối với Pháp Luân Công và những hậu quả tiềm ẩn có thể xảy ra khi đưa ra những tuyên bố ủng hộ công khai đối với Pháp Luân Công.[306]

Richard Madsen viết rằng Pháp Luân Công không được ủng hộ mạnh mẽ từ các cử tri Mỹ thường ủng hộ tự do tôn giáo. Ví dụ, tín ngưỡng bảo thủ của Pháp Luân Công đã làm mất đi một số người ủng hộ kiểu tự do ở phương Tây (ví dụ như những lời dạy của Pháp Luân Công chống lại tình dục ngoài hôn nhân, đồng tính luyến ái và hành vi đồng tính).[69] Ngược lại, những người bảo thủ theo đạo Thiên Chúa giáo thì không chấp nhận Pháp Luân Công như những người Thiên Chúa giáo Trung Quốc bị bức hại.[309] Madsen kết luận rằng trung tâm của chính trị Hoa Kỳ không muốn đẩy mạnh vấn đề nhân quyền quá mạnh đến nỗi nó sẽ làm gián đoạn quan hệ thương mại và chính trị với Trung Quốc. Do đó, các học viên Pháp Luân Công phần lớn phải dựa vào nguồn lực của chính mình để đáp trả sự trấn áp của chính phủ Trung Quốc.[309]

Tháng 8 năm 2007 theo yêu cầu của Pháp Luân Công, Tòa án Sanhedrin mới được thành lập lại đã lên án việc chính phủ Trung Quốc trấn áp phong trào này.[310][311][312]